Bệnh lý cao huyết áp: triệu chứng, nguyên nhân, và cách điều trị
Theo thống kê hiện nay trên thế giới có đến 1,13 tỷ người có huyết áp cao, con số này được dự đoán lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025. Nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh cao huyết áp là yếu tố quan trọng giúp người bệnh điều trị sớm và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
I Bệnh cao huyết áp là gì
Bệnh huyết áp cao, hay còn gọi là tăng huyết áp, là một tình trạng áp lực máu tạo ra khi lưu thông qua mạch máu trong cơ thể cao hơn mức bình thường. Huyết áp được tạo bởi sức co bóp của tim để đẩy máu vào hệ thống mạch máu và sự co giãn của thành mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và gồm có hai chỉ số chính:
Huyết áp tâm thu thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp khi tim co bóp.
Huyết áp tâm trương thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim bạn được thư giãn.
Ví dụ: Huyết áp 130/80 mmHg: 130 là huyết áp tâm thu, 80 là huyết áp tâm trương. Vì vậy khi bác sĩ hoặc y tá cho bạn biết huyết áp của bạn, thì họ sẽ nói 2 con số.
Cao huyết áp là sự vượt quá giới hạn trên của chỉ số huyết áp, có thể tâm thu đơn độc, tâm trương đơn độc hoặc cả hai. Theo hội tim mạch châu Âu 2018 thì tăng huyết áp ở người lớn khi huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và /hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg.
Ở mức bình thường, huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 120 -129mg và huyết áp tâm trương từ 80-84 mmHg, giới hạn huyết áp bình thường có thể thấp hơn ở trẻ em và cao hơn ở người lớn tuổi.
Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp
II Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Cao huyết áp được xem là một sát thủ ẩn mình vì thường diễn biến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng hoặc để lại nhiều hậu quả nặng nề. Bệnh thường gặp chủ yếu ở người lớn tuổi (huyết áp vô căn); trong khi 10% còn lại có nguyên nhân gọi là huyết áp thứ phát.
Huyết áp nguyên phát (vô căn)
Có đến 90% trường hợp huyết áp tăng cao là huyết áp vô căn. Đa phần xảy ra ở lứa người cao tuổi và không xác định được nguyên nhân. Những trường hợp này thường có yếu tố di truyền khi nhiều người trong gia đình cũng mắc bệnh này, hay có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có những thói quen dễ dẫn đến bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, dư cân, béo phì, ít vận động,...
Huyết áp thứ phát
Khi xác định được nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh thì gọi là huyết áp thứ phát . Tình trạng này chiếm khoảng 10% ca bệnh và bệnh có thể chữa khỏi khi điều trị trực tiếp vào nguyên nhân gây ra.
Một số nguyên nhân thường gặp:
Bệnh thận là nguyên nhân thường gặp nhất trong tăng huyết áp thứ phát (suy thận mãn, hẹp động mạch thân).
Một số bệnh lý nội tiết như cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing cũng khiến huyết áp tăng.
Một số loại thuốc như Corticoides (điều trị bệnh viêm khớp, bệnh Lupus, hen suyễn, dị ứng), thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc thuốc tránh thai là nguyên nhân gây tăng huyết áp và thường biến mất tác dụng phụ sau 1-2 tuần ngưng sử dụng thuốc.
III Một số biểu hiện triệu chứng của huyết áp cao
Bệnh cao huyết áp thường diễn biến trong thầm lặng mà không để lại bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào, kể cả khi bệnh đã tiến triển ở một mức độ nặng. Lúc này, các biến chứng tim mạch có thể đột ngột xuất hiện và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng bệnh nhân. Một số triệu chứng phố biến có thể bao gồm:
Đau đầu: Cảm giác đau hoặc nhức đầu thường xuyên. Chóng mặt và hoa mắt, cảm giác mất cân bằng, hoặc thậm chí có thể bị ngất do áp suất máu tăng đột ngột.
Mệt mỏi và khó thở: Cảm thấy mệt mỏi khi chỉ thực hiện các hoạt động nhẹ. Do áp lực lớn trong mạch máu, tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu đi qua cơ thể
Thay đổi tâm trạng và lo âu: Cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, làm cho người bị bệnh dễ cáu gắt, mất kiên nhẫn, hoặc lo âu.
Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào như trên, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và xác định liệu mình có mắc bệnh cao huyết áp không. Đồng thời, cần thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc chủ động kiểm tra huyết áp với máy đo tại nhà để theo dõi và làm chủ tình trạng sức khỏe tim mạch của mình.
Chủ động theo dõi tình trạng huyết áp của bản thân bằng thiết bị đo tại nhà để phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn
IV Biến chứng của bệnh cao huyết áp
Huyết áp càng cao và không được kiểm soát đúng sẽ gây ra nhiều tổn thương và để lại những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng:
Đau tim hoặc đột quỵ: Cao huyết áp làm cho các động mạch trở nên hẹp hơn và kém đàn hồi hơn, khiến chất béo trong chế độ ăn uống bị lắng đọng và cản trở lưu lượng máu, dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Chứng phình động mạch: Áp lực lên thành mạch tăng có thể khiến mạch máu yếu đi và phình ra, tạo thành chứng phình động mạch.
Suy tim: Huyết áp tăng sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Sự gia tăng áp lực này buộc cơ tim phải bơm máu thường xuyên hơn và với lực mạnh hơn so với bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng cơ tim phình to hơn và được gọi là phì đại tâm thất trái. Cuối cùng, tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc đột tử do tim.
Các vấn đề về thận: Huyết áp cao có thể khiến các mạch máu trong thận bị hẹp hoặc yếu đi, dẫn đến tổn thương thận
Các biến chứng về mắt: huyết áp cao có thể khiến các mạch máu dày lên, thu hẹp hoặc rách trong mắt và dẫn đến mờ thị lực
Những biến chứng của căn bệnh cao huyết áp nguy hiểm
V Phương pháp điều trị tăng huyết áp
Nguyên tắc cốt lõi để điều trị bệnh cao huyết áp là giữ cho huyết áp ở mức ổn định với mục tiêu dưới 140/90mmHg và giúp giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh thận thì cần bám sát chặt chẽ lộ trình điều trị được bác sĩ chỉ định để ổn định huyết áp dưới 130/80mmHg.
Người bệnh cần theo dõi và nắm rõ tình hình sức khoẻ của mình để trao đổi với bác sĩ trong quá trình dùng thuốc theo phác đồ điều trị. Đặc điểm của huyết áp là tiến triển kéo dài và ngày càng trầm trọng hơn nếu điều trị và chăm sóc không đúng cách. Vì vậy, bên cạnh dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cao huyết áp cần có lối sống khoa học, giúp nâng cao hiệu quả của thuốc:
Bổ sung chế độ ăn giàu chất xơ, giàu kali (kali có tác dụng trung hoà bớt lượng natri, thường có nhiều trong chuối, khoai lang).
Không nên ăn thịt đỏ (heo, bò…), sữa béo, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
Tăng cường hoạt động thể chất ở mức vừa phải như tập thể dục, đi bộ, tập dưỡng sinh,... đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp khí huyết lưu thông và khiến tinh thần thoải mái, tỉnh táo.
Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Tăng huyết áp thường đi kèm với tăng cân. Thừa cân hoặc béo phì có thể cản trở hơi thở của bạn trong khi ngủ, khiến tình trạng huyết áp tăng mạnh hơn
Hạn chế thói quen không lành mạnh như rượu bia, thuốc lá, stress.
Huyết áp cao là bệnh lý nguy hiểm và dễ dẫn tới nhiều biến chứng. Vì vậy, việc nắm rõ các thông tin về căn bệnh này là rất quan trọng, giúp người bệnh xác định được các triệu chứng của bệnh.
NỘI DUNG ĐƯỢC THAM KHẢO TỪ
1. Chuyên gia của American Heart Association. What is High Blood Pressure? American Heart Association
2. Chuyên gia của Mayo Clinic. High blood pressure. Mayo Clinic